Năm 2023, bên cạnh những khó khăn chung do ảnh hưởng kinh tế thế giới, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Kon Tum còn gặp khó khăn, vướng mắc về các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của tỉnh. Tuy nhiên, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được chú trọng.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, công tác thu hút đầu tư đã đạt được những kết quả khả quan, thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, uy tín đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và một số dự án thương mại dịch vụ. Cụ thể, hoạt động đầu tư nói chung trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2023 ước tính tăng 16,86 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2023 tăng 37,19% so với cùng kỳ năm trước.
Về thu hút đầu tư trong và ngoài nước: Đã chủ động làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua việc duy trì Chương trình đối thoại với doanh nghiệp 02 lần/năm và chương trình cà phê doanh nhân định kỳ hằng tháng. Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư tiếp tục được chú trọng. Theo đó, đã chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; chủ động cử các đoàn công tác của tỉnh đi học tập kinh nghiệm, đồng thời làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào tỉnh đối với những ngành mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế và đã ký kết biên bản ghi nhớ với 03 đơn vị về hợp tác đầu tư gồm: Công ty cổ phần giấy An Hòa; Công ty cổ phần Sao Việt Tuyên Quang; Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Kết quả, từ đầu năm đến nay đã thu hút 09 dự án đầu tư (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế) với tổng vốn đăng ký khoảng 1.560 tỷ đồng.
Để tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư, ngày 19 tháng 01 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 với mục tiêu: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lực cạnh tranh ngày càng cao nhằm thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Phấn đấu giữ vững thứ hạng Chỉ số PCI tỉnh Kon Tum năm 2023 xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị cao phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ tại các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Ia H’Drai, Kon Ray, thành phố Kon Tum và những địa bàn có điều kiện; phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh trong cả nước, từng bước định vị du lịch Kon Tum qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Nội dung Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 như sau:
1. Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư
Nhằm kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực kinh tế trong và ngoài nước đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ số lượng, chất lượng, hiệu quả đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư theo các chuyên đề, ngành nghề làm cơ sở để xúc tiến các nhóm dự án động lực trên các lĩnh vực. Làm việc với các tổ chức quốc tế như JICA, KOTRA… để thu thập thông tin, số liệu, xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam; nghiên cứu, chọn lọc tham gia các hội nghị, hội thảo do các tổ chức nêu trên tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài. Tỉnh Kon Tum tổ chức thực hiện và triển khai các hoạt động như : Thu thập thông tin, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng các đề án, báo cáo, tài liệu. Tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; đoàn công tác xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể. Tổ chức đón tiếp các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư.
2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư
Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư kết hợp xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch trong nước ở quy mô cấp tỉnh và các hoạt động xúc tiến đầu tư tại một số địa phương. Phối hợp với các đại diện Tham tán kinh tế, đầu tư của các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức này để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư vào tỉnh tại nước ngoài. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương viết bài, xây dựng phóng sự quảng bá, giới thiệu qua các kênh truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những chính sách thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh. Tỉnh Kon Tum tổ chức thực hiện và triển khai các hoạt động tổ chức, tham gia diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài. Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, chính sách, pháp luật về đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài. Tổ chức hoặc tham gia đoàn công tác để xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể. Tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư
Với mục đích tạo sự tương tác trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp đồng thời chia sẻ và cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Kết nối thế mạnh riêng của từng doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài tỉnh, tạo mối quan hệ cung cầu. Tạo sân chơi lành mạnh, kết nối các doanh nghiệp trẻ, tìm kiếm các đề tài khởi nghiệp có tác động đến sự phát triển của địa phương. Kết nối các doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng với các tỉnh bạn. Tạo kênh tiếp nhận, cung cấp thông tin đa chiều. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp chủ trương đầu tư.
Thực hiện chủ trương chuyển từ tinh thần đồng hành cùng nhà đầu tư sang tinh thần chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị một dự án đầu tư nhằm thu hút, triển khai các dự án trên địa bàn.
Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Xác định công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” là hoạt động quan trọng, cần ưu tiên thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn. Tỉnh Kon Tum triển khai các hoạt động sau:
– Tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư (Hội nghị Đối thoại với Doanh nghiệp tổ chức 02 lần/năm; Chương trình Cà phê Doanh nghiệp – Doanh nhân). Kết nối nhà đầu tư với: Cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân. Cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư.
4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết công việc, hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư; các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, triển khai lập quy hoạch chi tiết dự án và lập dự án đầu tư. Rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với từng khu công nghiệp, từng vùng, từng ngành. Tỉnh Kon Tum triển khai các hoạt động xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng cổng, trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư; Xây dựng vận hành trang thông tin điện tử về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, môi trường, tiềm năng, cơ hội đầu tư, đối tác đầu tư.
5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2025. Tỉnh Kon Tum sẽ triển khai các hoạt động số hóa danh mục dự án thu hút đầu tư; Định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp với thực tế của địa phương để kịp thời phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư.
6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
Thường xuyên tổng hợp, xây dựng, cập nhật, bổ sung thông tin bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn từng thời điểm, từng đối tượng nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tại các địa phương, các ngành sẽ nghiên cứu xây dựng ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư riêng để phục vụ cho các dự án theo nhu cầu phát triển riêng từng ngành, địa phương. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu, phóng sự phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Lựa chọn và tổ chức in ấn một số loại bản đồ để phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư
Nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng xúc tiến đầu tư cho các cán bộ phụ trách công tác xúc tiến đầu tư của các Sở, Ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.
8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư
Tổ chức các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xúc tiến đầu tư, mô hình phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ở trong và ngoài nước. Học tập kinh nghiệm của các địa phương đã có kinh nghiệm và thành công trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin với tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế như: KOTRA, JICA, các Tham tán đầu tư, thương mại tại các nước,… để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh. Tỉnh Kon Tum triển khai các hoạt động: Tổ chức thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Kon Tum và các địa phương có sự liên kết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Triển khai các Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tổ chức đoàn cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư đi học tập tại một số tỉnh, thành phố có nhiều kinh nghiệm trong công tác quảng bá xúc tiến đầu tư./.
Ngô Mai Hương