Năm 2023, tổng kinh phí khuyến công địa phương của tỉnh Kon Tum được phân bổ là 918 triệu đồng, Bộ Công Thương phê duyệt 01 đề án khuyến công với tổng kinh phí là 1,2 tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động khuyến công của tỉnh Kon Tum được hỗ trợ đảm bảo mục tiêu đề ra, hiệu quả thiết thực.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Theo ông Huỳnh Minh Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại Kon Tum, kết quả thực hiện đến nay đã hoàn thành 4 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí 578 triệu đồng, đạt 63 % kế hoạch năm 2023.
Đối với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm 2023, Bộ Công Thương phê duyệt 1 đề án khuyến công với tổng kinh phí là 1,2 tỷ đồng. Cục Công Thương địa phương đã giao kinh phí và ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại Kon Tum. Để triển khai thực hiện đề án, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại đã ký hợp đồng thực hiện đề án với 4 đơn vị thụ hưởng và hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện. Kết quả đến nay đã hoàn thành 3/4 đề án với tổng kinh phí giải ngân là: 900 triệu đồng, đạt 75% so với kế hoạch và dự kiến hoàn thành 100% kế hoạch năm 2023.
Cũng theo ông Chương, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Kon Tum, của Bộ Công Thương cũng như hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương. Sở Công Thương đã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công, bảo đảm phát huy nguồn lực, năng lực hiện có của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp. Nội dung hoạt động khuyến công chủ yếu tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Hỗ trợ thiết bị máy móc sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công tại Kon Tum
Nhìn chung, hoạt động khuyến công được hỗ trợ đảm bảo mục tiêu đề ra, hiệu quả thiết thực; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến công để các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt, chủ động tham gia, tiếp cận vốn hỗ trợ. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương khảo sát và lựa chọn các cơ có điều kiện đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm mới để đề xuất Trung ương và UBND tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các cơ sở khai thác hiệu quả thiết bị, máy móc được hỗ trợ.