Tối 6/2, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tổ chức khai mạc phiên chợ sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh.
Sâm Ngọc Linh và các dược liệu được bán tại Phiên chợ lần 2 – Ảnh: VGP/Dương Nương
Tham gia phiên chợ có 50 gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh cùng các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh và các dược liệu.
Phiên chợ diễn ra từ ngày 6 – 9/2 với 10 hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động giới thiệu về văn hoá, ẩm thực, sản phẩm của cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác.
Nét khác biệt ở phiên chợ lần 2 này là có 4 chương trình mới, gồm: Chương trình chấp cánh ước mơ cho thanh thiếu niên Tu Mơ Rông; hội thảo liên kết về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023; hội thi Sâm Ngọc linh lần thứ 1 và Lễ hội khinh khí cầu.
Các hoạt động tập trung khai quảng bá tiềm năng du lịch, giá trị của sâm Ngọc Linh, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân Xơ Đăng, giúp du khách được thưởng lãm vùng đất sản sinh ra quốc bảo cũng như tiếp sức “truyền lửa” cho thanh thiếu niên mạnh dạn theo đuổi ước mơ bằng con đường học vấn.
Tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh năm nay, huyện Tu Mơ Rông rất chú trọng kiểm soát chất lượng sâm. Theo đó, người dân, tổ chức muốn tham gia phiên chợ phải có giấy chứng nhận nguồn gốc, vùng trồng rõ ràng, giấy mua bán sâm được địa phương xác nhận… Đặc biệt, lần này, huyện đã bố trí máy kiểm định chất lượng đặt ở phiên chợ, để xét nghiệm sâm ngay tại chỗ nếu khách có yêu cầu. Việc xét nghiệm bằng máy sẽ cho ra kết quả ngay và tuyệt đối chính xác.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết phiên chợ lần này còn là sự tiếp nối, phát huy thành công của phiên chợ lần thứ nhất để tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đó là chất lượng, uy tín sản phẩm; người tiêu phải được mua sản phẩm thật, đảm bảo chất lượng góp phần nâng tầm sâm Ngọc Linh, hướng tới phổ thông hóa sản phẩm sâm Ngọc Linh cho mọi người dân được sử dụng.
Phiên chợ cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình gặp gỡ, tìm hiểu kết nối, phát triển diện tích, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc hữu; là hoạt động góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã vào hoạch định chiến lược du lịch cho huyện nhằm khai thác có hiệu quả nhất sản phẩm du lịch riêng có của huyện đó là “kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh với du lịch”.